5 Nét Văn Hóa Giao Tiếp Của Người Nhật Bạn Nên Biết
5 Đặc Trưng Văn Hóa Giao Tiếp Của Người Nhật Bản
Giao tiếp là quá trình trao đổi thông tin giữa từng nhóm người hoặc từng cá nhân cụ thể. Tùy theo việc chú trọng về văn hóa trong giao tiếp mà mỗi quốc gia sẽ có những “quy định ngầm” và lễ nghi khác nhau.
Nhật Bản chính là một quốc gia có khá nhiều những lưu ý trong vấn đề này. Nếu bạn dự định du lịch hoặc làm việc tại công ty Nhật Bản, hãy tìm hiểu về những nét văn hóa giao tiếp của người Nhật trong bài viết dưới đây.
Văn Hóa Cúi Chào
Việc cúi chào nghe có vẻ “rườm rà” và “quá lễ nghi”, thế nhưng điều đó là cách thức để thể hiện sự tôn trọng đối với người khác. Đặc biệt, “người dưới” sẽ luôn là người cúi chào “người trên” trước. Tuy nhiên, không có nghĩa là “người trên” không cần chào “người dưới”, mà vẫn cần phải đáp lễ sau khi được chào.
Ví dụ, “người trên” được nhắc đến là sếp của bạn, trưởng bối, hay những người lớn tuổi hơn. Trong trường hợp đó, cúi chào 30-45 độ là lễ nghi cao nhất được thực hiện để chứng tỏ sự kính trọng của mình. Còn đối với bạn bè, những người cùng trang lứa, cúi chào 15 độ là phù hợp.
3 kiểu cúi chào phổ biến nhất của người Nhật Bản:
- Kiểu Saikeirei:
- Tư thế: cúi từ từ và thấp 45 độ.
- Trường hợp: Thể hiện sự biết ơn và tôn trọng vô cùng sâu sắc, thường được sử dụng nơi các đền thờ, nhà thờ tôn giáo.
- Kiểu Keirei:
- Tư thế: cúi người 30 độ.
- Trường hợp: khá trang trọng và thường được thực hiện trong những lần đầu gặp mặt.
- Kiểu Eshaku:
- Tư thế: cúi người 15 độ.
- Trường hợp: thường sử dụng trong xã giao hằng ngày và đối với những người cùng tuổi, cùng trang lứa.
Giao Tiếp Bằng Mắt
Trong văn hóa giao tiếp hay phong cách làm việc người Nhật Bản, việc nhìn trực diện và chằm chằm vào ánh mắt của người đối diện khi đang trò chuyện được xem là khá bất lịch sự.
Thay vào đó, người Nhật sẽ nhìn vào những vật trung gian gần đó như một cuốn sổ, bình hoa, caravat,… hoặc hơi cúi đầu nhẹ. Tuy nhiên, việc tránh nhìn trực tiếp vào mắt người đối diện không có nghĩa là phải quay hẳn sang 1 bên hay liên tục đảo ánh mắt.
Khoảng Lặng Của Giao Tiếp
Người Nhật luôn tin rằng ít nói là lựa chọn khôn ngoan hơn là nói quá nhiều. Và thay vào đó, họ sẽ chú tâm nhiều đến hành động.
Ví dụ, trong những buổi họp, thương thảo về các vấn đề, người giữ vị trí cao nhất thường luôn là người ít nói nhất. Người này sẽ tập trung vào việc lắng nghe và chỉ đưa ra những quyết định quan trọng và sau cùng.
Cách Nói Gián Tiếp, Nói Giảm
Người Nhật thường không trả lời trực tiếp “Không” cho các vấn đề được hỏi. Nếu họ có ý phản đối cho các vấn đề đó, người Nhật sẽ luôn “nói giảm nói tránh” đi, ví dụ họ sẽ trả lời “vấn đề này khá khó”, “nên xem xét tính khả thi”,...
Bất kỳ cử chỉ hay lời nói nào của người Nhật, kể cả khi mang tính hối thúc hay phản đối đều mang theo nét nhã nhặn và lịch sự. Đối với họ, sự tự trọng và cái tôi khá lớn, nên họ luôn tránh việc bị đánh giá là khiếm nhã hay thô lỗ trong giao tiếp.
Thậm chí điều này trong văn hóa giao tiếp của người Nhật trong kinh doanh lại càng rõ nét hơn.
Cảm Ơn Và Xin Lỗi
Trong các nét đặc trưng về văn hóa giao tiếp của người Nhật, việc cảm ơn và xin lỗi cũng là một trong những điều đáng chú ý. Nếu bạn mới tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản hay lần đầu đến du lịch tại “đất nước mặt trời mọc” này, thì có lẽ bạn sẽ bất ngờ khi nghe tần suất xin lỗi và cảm ơn trong các đoạn hội thoại của họ.
Cũng chính vì thế, trong tiếng Nhật có rất nhiều cụm từ mang nghĩa xin lỗi để thể hiện các sắc thái khác nhau trong từng trường hợp: xin lỗi vì mắc sai lầm, xin lỗi vì lịch sự, xin lỗi thành khẩn, xin lỗi ngắn gọn trong các mối quan hệ gần gũi,...
Ngoài ra, sau những cuộc trò chuyện hay nhận được lời mời từ người Nhật, bạn cũng nên gửi lời cảm ơn đến họ để tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp với họ nhé!
Kết Luận
Không thể phủ nhận rằng văn hóa giao tiếp của người Nhật có nhiều lễ nghi và chi tiết hơn so với của người Việt. Tuy nhiên, nếu bạn đang mong muốn hoặc đang làm việc cho một công ty Nhật Bản thì tìm hiểu những vấn đề văn hóa là việc vô cùng cần thiết để hòa nhập với họ.
Đừng bỏ qua những bài blog của Reeracoen để tìm hiểu thêm về văn hóa Nhật Bản, cũng như là các tips liên quan đến phỏng vấn và việc làm nhé!