Cách Giữ Bình Tĩnh Khi Phỏng Vấn
Phỏng vấn là “cuộc gặp gỡ” giữa nhà tuyển dụng và ứng viên để trao đổi một số thông tin, nhằm xác định rằng cả hai có phù hợp để cùng hợp tác. Vì thế, việc tỉnh táo trước mọi câu hỏi của nhà tuyển dụng và đưa ra câu trả lời khôn ngoan là điểm mấu chốt quan trọng nhất.
Tuy nhiên, đa số mọi người sẽ gặp áp lực và hồi hộp khi phỏng vấn. Hiểu được vấn đề này, Reeracoen sẽ đưa ra những cách giữ bình tĩnh khi phỏng vấn để bạn có thể bộc lộ mình theo cách hoàn hảo nhất.
6 Cách Giữ Bình Tĩnh Khi Phỏng Vấn
1. Chuẩn bị kỹ lưỡng
Đây cũng là một cách giữ bình tĩnh khi run trong những dịp quan trọng. Ai mà chẳng hồi hộp hay run sợ khi không biết điều gì sẽ xảy ra trong buổi phỏng vấn?
Vì thế, nếu bạn chuẩn bị kỹ càng về vị trí tuyển dụng, thông tin công ty thì khi đó, trong tiềm thức của bạn, bạn đã tự tin hơn nhiều. Ngoài ra, bạn cũng có thể liệt kê ra danh sách những câu hỏi thường gặp trong phỏng vấn và những vấn đề liên quan đến vị trí đang ứng tuyển để chuẩn bị sẵn sàng cho mọi “kịch bản” mà bạn có thể đối mặt.
Đồng thời, việc chuẩn bị sẵn sàng một bộ đồ tươm tất, một bản CV được in đẹp đẽ cũng sẽ giúp bạn bớt bối rối hơn nếu phải “tất bật” trong ngày phỏng vấn.
2. Hãy luôn đến sớm
Để tránh việc đi trễ, bạn nên tìm hiểu và nắm rõ vị trí công ty hạn chế nguy cơ bị lạc đường. Việc đến sớm này không chỉ là cách giữ bình tĩnh khi lo lắng mà còn giúp bạn gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, đặc biệt khi bạn đang tìm kiếm việc làm tại công ty Nhật Bản.
Thêm vào đó, việc đến trước giờ phỏng vấn khoảng 10-15 phút giúp bạn có cơ hội nghỉ ngơi sau quãng đường di chuyển, giúp ổn định tinh thần và quan sát thêm những điều xung quanh. Điều này chắc chắn có lợi cho buổi phỏng vấn.
3. Đừng cố đặt mình vào áp lực
Thay vì xem cuộc phỏng vấn như yếu tố “quyết định” trong cột mốc của cuộc đời. Bạn hãy xem nó như một cuộc trao đổi thông tin để đảm bảo rằng bạn và công ty có phù hợp để làm việc cùng nhau.
Chắc chắn rằng bạn và người tuyển dụng không hề thân thiết như một người bạn, dù vậy, cũng đừng xem họ là người quá xa cách. Vì điều này sẽ khiến mức adrenaline tăng lên và dẫn tới những hành động khó kiểm soát (run rẩy, lắp bắp,...).
Cuối cùng, hãy nghĩ rằng “Dù kết quả tốt hay xấu thì bạn đã cố gắng hết mình. Trong trường hợp xấu thì đó chính là mình và công ty có khác biệt về suy nghĩ và không phù hợp để cộng tác cùng nhau.”
4. Hãy luôn tích cực và tự tin
Có một điều chắc chắn rằng, ai cũng thích một người với thái độ tích cực. Một nụ cười tươi trong lần đầu gặp sẽ để ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, làm dịu đi bầu không khí căng thẳng của buổi phỏng vấn.
Ngay cả khi bạn đang lo lắng, hãy cố gắng để giữ bản thân trông bình tĩnh hơn bằng cách ngồi thẳng lưng và đan hai tay vào nhau. Việc ngồi thẳng lưng còn giúp bạn giải tỏa những năng lượng và tạo sự thoải mái cho tư duy. Bên cạnh đó, tư thế ngồi này cũng có giá trị thẩm mỹ cao hơn so với việc ngồi gù lưng, co mình.
5. Hãy hít thở sâu và từ tốn
Hít thở sâu luôn là cách giữ bình tĩnh trong mọi tình huống. Trước và trong khi phỏng vấn, nếu bạn cảm thấy bồn chồn và quá lo lắng, hãy hít thở sâu. Nó giúp những cảm xúc trong lòng bạn dần bình tĩnh lại theo nhịp thở, khiến bạn thoải mái hơn.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên ghi nhớ rằng “dục tốc bất đạt”. Do đó, bạn cũng nên trả lời câu hỏi một cách từ tốn. Sau khi nghe câu hỏi của nhà tuyển dụng, đừng vội trả lời. Hãy dành vài giây suy nghĩ và hệ thống các ý để giúp phần trả lời được mạch lạc hơn.
6. Chấp nhận kết quả
Các công ty không bao giờ tìm kiếm sự hoàn hảo, họ chỉ mong muốn một ứng viên phù hợp. Do đó, bạn cứ việc cố gắng và bộc lộ tài năng của bản thân mà đừng đặt kết quả lên trước.
Nếu bạn đã cố gắng hết sức từ khâu chuẩn bị đến việc biểu hiện nhưng vẫn không đạt được kết quả mong muốn nhất thì cũng đừng quá buồn. Hãy coi cuộc phỏng vấn này chính là nơi để bạn học thêm những điều mình chưa biết và tìm kiếm cơ hội khác phù hợp hơn.
Kết luận
Lo lắng, sợ hãi là điều không thể tránh khỏi trong những cuộc phỏng vấn. Học cách để bình tĩnh là tiền đề để bạn có thể bộc lộ hết những tiềm năng của mình.
Trên đây, Reeracoen đã đưa ra 6 cách giữ bình tĩnh khi phỏng vấn. Áp dụng nó trong cuộc sống, bạn sẽ có thể nâng cao tỉ lệ thành công của mình trong các cuộc phỏng vấn. Ngoài ra đó cũng là một kỹ năng mềm quan trọng trong cuộc sống.