Ikigai - Bí mật cho một cuộc sống dài và đầy ý nghĩa

Japanese CultureApril 24, 2019 18:02

Ikigai

Lý do bạn thức dậy mỗi buổi sáng là gì vậy?

Việc cố gắng trả lời câu hỏi lớn này có lẽ sẽ khiến bạn bó tay và trèo lên giường đi ngủ tiếp. Nếu điều đó là sự thật, thì có lẽ khái niệm Ikigai từ Nhật bản có thể giúp được bạn đấy!

Khởi nguồn từ một quốc gia với dân số già thuộc top đầu thế giới, khái niệm này đã trở nên vô cùng phổ biến bên ngoài nước Nhật như một phương pháp giúp con người ta sống lâu và sống tốt hơn.

Tuy không có từ tương đồng trong tiếng Anh, ikigai có thể được hiểu là sự kết hợp giữ 2 từ trong tiếng Nhật Ikiru, “sống”, và kai, “giác ngộ”. Sự kết hợp của 2 từ này tạo nên khái niệm về “lý do để sống” hay ý tưởng về mục đích sống của chúng ta. Ikigai cũng có mối quan hệ thú vị với lịch sử nước Nhật: từ “gai” bắt nguồn từ từ “kai” trong tiếng Nhật, cũng có ý nghĩa là vỏ sò. Theo Giáo sư Akihiro Hasegawa đến từ Đại học Toyo Eiwa, vỏ sò được coi là vật vô cùng có giá trị trong Thời kỳ Heian của nước Nhật (794 đến 1185), vì vậy, từ “gai” còn tạo ra cho chúng ta cảm giác về “giá trị của cuộc sống”.

Để có thể tìm được lý do hay mục đích sống của mình, các chuyên gia khuyên bạn bắt đầu với 4 câu hỏi cơ bản:

🔹 Bạn yêu thích điều gì?

🔹 Bạn giỏi cái gì?

🔹 Thế giới cần gì từ bạn?

🔹 Bạn có thể được trả tiền từ việc gì?

Tìm kiếm câu trả lời và sự cân bằng giữa 4 lĩnh vực trên có lẽ chính là con đường nhanh chóng dẫn đến ikigai cho bạn khi tìm hiểu khái niệm này. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, tìm hiểu ikigai là một quá trình chậm hơn rất nhiều và không hề liên quan gì đến công việc hay thu nhập. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2010 với 2000 người đàn ông và phụ nữ Nhật, chỉ 31% cho rằng công việc là ikigai của họ.

Gordon Matthews, Giáo sư Nhân chủng học tại Đại học Trung Hoa Hồng Kông và là tác giả của cuốn sách “What Makes Life Worth Living?: How Japanese and Americans Make Sense of Their Worlds” (Tạm dịch: Điều gì khiến cuộc đời trở nên đáng sống hơn?: Cách người Nhật và người Mỹ hiểu về thế giới của họ), đã trao đổi với Telegraph rằng cách con người ta hiểu về ikigai có thể được hiểu qua 2 khái niệm khác của người Nhật là ittaikan và jiko jitsugen. Ittaikkan là khái niệm về “sự hợp nhất và có trách nhiệm với một nhóm hoặc một vai trò nào đó” còn jiko jitsugen liên quan đến sự giác ngộ của bản thân.

Matthews cho rằng ikigai có thể đem đến cuộc sống tốt đẹp hơn “vì bạn sẽ có một thứ để bạn sống vì nó”. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo mọi người không nên coi ikigai như là lẽ sống của mình do “Ikigai không phải là điều gì vĩ đại hay đặc biệt cả. Nó cũng chỉ là một khái niệm vô cùng thông thường thôi.”

Okinawa, một hòn đảo xa xôi phía tây nam Nhật Bản, nơi có số lượng cư dân trên trăm tuổi đặc biệt lớn, thường được coi là một minh chứng rõ ràng nhất cho việc thực hành ikigai.

Theo Dan Buettner, một chuyên gia về các Vùng Xanh, một khái niệm chỉ các khu vực trên thế giới mà con người có tuổi thọ cao nhất, ikigai đóng vai trò vô cùng quan trọng và rất phổ biến trong đời sống hàng ngày của người dân Okinawa. Được kết hợp với chế độ ăn uống phù hợp, cũng như mạng lưới bạn bè tốt, ikigai giúp người dân nơi đây có tuổi thọ dài hơn bằng cách tạo ra mục đích sống cho họ, từ những võ sư karate đến những người đánh cá, rất nhiều người đều sống trên trăm tuổi.

Tuy nhiên, chỉ hiểu về ikigai là chưa đủ, mà theo Buttner, bạn cần biến những khái niệm về mục đích sống của mình thành hành động. Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng ikigai có thể thay đổi theo tuổi. Với những người coi công việc là lẽ sống của mình, tầm quan trọng của công việc sẽ giảm đi khi tuổi bạn lớn dần và tiếp cận tuổi về hưu.

Và khi đó, công cuộc tìm kiếm một ikigai mới cho cuộc sống lại bắt đầu.

Nguồn: Business Insider

Dịch: LN - Reeracoen