Điều Gì Khiến Bạn Trượt Phỏng Vấn Công Ty Nhật?
Dù kinh nghiệm và khả năng của bạn hoàn toàn phù hợp với công việc mà bạn đang ứng tuyển, nhưng lại không thể qua được vòng phỏng vấn? Có bao giờ bạn thắc mắc lý do khiến bạn trượt phỏng vấn là gì?
Ngoài các thông tin về công ty và vị trí công việc, kỹ năng phỏng vấn cũng là một vấn đề cần lưu ý. Hãy cùng Reeracoen tìm hiểu 6 lý do khiến bạn trượt phỏng vấn, đặc biệt là với các công ty Nhật để đưa ra cách giải quyết nhé!
6 Lý Do Khiến Bạn Trượt Phỏng Vấn Công Ty Nhật
Đến Trễ
Ấn tượng đầu tiên trong buổi phỏng vấn là vô cùng quan trọng. Chắc chắn rằng sẽ không ai thích người khác đi trễ trong buổi hẹn đầu tiên. Bạn có thể nghĩ rằng đến trễ 1-2 phút không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, chính vì một vài phút đó, bạn có thể đã mất đi cơ hội việc làm mơ ước.
Đặc biệt đối với các công ty Nhật, phong cách người Nhật luôn rất cẩn trọng trong vấn đề thời gian. Việc đến đúng giờ là sự biểu hiện của sự tôn trọng cơ bản nhất. Ngoài ra, nó còn thể hiện kỹ năng quản lý thời gian và quản trị rủi ro của cá nhân ứng viên.
Vì thế, hãy cố gắng làm chủ khung thời gian của mình và cố gắng đến trước 10-15 phút trong buổi phỏng vấn để có sự chuẩn bị tốt hơn!
Giải pháp:
- Tìm hiểu vị trí công ty trước ngày phỏng vấn để ước lượng thời gian di chuyển.
- Hãy canh giờ để đi sớm hơn thời gian hẹn từ 15-20 phút.
Chuẩn Bị Quá Kỹ Lưỡng
Vấn đề này nghe có vẻ vô lý, nhưng lại hoàn toàn là sự thật. Việc chuẩn bị quá kỹ mà Reeracoen muốn đề cập ở đây đó chính là việc “học thuộc” các câu trả lời mà bạn chuẩn bị.
Dù rằng nó sẽ giúp bạn trả lời mạch lạc hơn, nhưng lại thiếu đi sự tự nhiên để thể hiện cá tính của bạn. Từ đó, nhà tuyển dụng sẽ không đề cao sự linh hoạt của bạn trong công việc mà ngầm đánh giá bạn là một người “rập khuôn”, không có sự sáng tạo.
Giải pháp:
- Chuẩn bị các list câu hỏi và liệt kê các ý cho từng câu hỏi đó theo tính cách và văn phong của bạn.
- Ngắt quãng tự nhiên trong khi trả lời.
- Mỉm cười khi phỏng vấn.
Trang Phục Không Phù Hợp
Một trong những vấn đề mà người phỏng vấn thường ít chú ý đó chính là trang phục.
Đối với một số công ty có yêu cầu sẵn trong thư mời phỏng vấn về trang phục, bạn nên chú ý và tuân thủ theo để bày tỏ sự tôn trọng và thể hiện sự chuẩn bị cẩn thận của mình trước buổi trao đổi này.
Thế nhưng, nếu công ty tuyển dụng không yêu cầu, thì trang phục phỏng vấn sẽ như thế nào? Theo khảo sát của Reeracoen, hơn 80% các công ty Nhật Bản có thiện cảm tốt hơn đối với ứng viên mặc trang phục lịch sự và có màu sắc cơ bản như: trắng, đen, xanh dương sẫm,...
Hãy hạn chế mặc những trang phục có hoa văn, họa tiết sặc sỡ, và màu chói mắt. Bạn có thể nghĩ rằng trang phục như vậy sẽ thể hiện cá tính độc đáo của mình, nhưng đôi khi nó sẽ đem lại “tác dụng phụ” vì nhà tuyển dụng sẽ cho rằng bạn thiếu chuyên nghiệp và thiếu sự nghiêm túc.
Giải pháp:
- Tìm hiểu về văn hóa công ty (trên các trang mạng xã hội).
- Lựa chọn trang phục lịch sự (áo sơ mi, quần tây, chân váy có độ dài phù hợp).
- Ưu tiên các màu sắc và hoa văn không sặc sỡ, chói mắt.
- Luôn ủi trước khi mặc và chỉnh trang lại trước khi vào phỏng vấn.
Thiếu Kiến Thức Cơ Bản Về Công Ty
Dù bạn đang phỏng vấn ở bất cứ vị trí nào, việc thiếu kiến thức cơ bản về công ty sẽ là một điểm trừ khá lớn. Điều này sẽ khiến phía công ty đánh giá thấp về khả năng chuẩn bị của bạn. Đồng thời, họ cũng sẽ cho rằng bạn thiếu nhiệt huyết đối với công việc này.
Việc tìm hiểu này không chỉ giúp bạn “sáng” hơn trong mắt nhà tuyển dụng, mà còn giúp bạn đánh giá mức độ phù hợp của doanh nghiệp với mong muốn của bạn. Từ đó, bạn sẽ dễ dàng đưa ra quyết định nếu nhận được “Offer” từ công ty đó.
Giải pháp:
- Tìm hiểu thêm thông tin về công ty qua các trang mạng xã hội (tên công ty, sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp, đánh giá sơ bộ về văn hóa công ty).
- Đọc kĩ và nắm rõ phần mô tả công việc mà bạn ứng tuyển.
- Sử dụng các kiến thức chuyên môn để đánh giá và đưa ra một số giải pháp cho thực trạng của doanh nghiệp (nếu có thể).
- Tìm hiểu một số đối thủ của công ty và tình hình thị trường hiện nay.
Thái Độ Khi Phỏng Vấn
Có thể bạn biết rằng nhà tuyển dụng Nhật Bản rất yêu thích những ứng viên có thể trả lời rõ ràng, mạch lạc, và tự tin các câu hỏi của họ. Thế nhưng, bạn có bao giờ nghĩ rằng việc tự tin thái quá cũng sẽ dễ làm “mất điểm” trong mắt phía công ty?
Bên cạnh việc tự tin, bạn cũng nên thể hiện thái độ sẵn sàng học hỏi. Dù bạn là ứng viên giàu kinh nghiệm và có khả năng xử lý công việc tuyệt vời, khi đến với môi trường mới bạn cũng sẽ cần phải học hỏi và thích nghi.
Ngoài ra, hãy luôn thể hiện sự tôn trọng và lịch sự với người phỏng vấn bằng cách nói cảm ơn và trả lời câu hỏi đầy đủ (có kính ngữ, có đầu, có đuôi).
Giải pháp:
- Tránh các hành động không lịch sự: nhai singum, rung chân, đảo mắt liên tục khi phỏng vấn, …
- Sử dụng ngôn ngữ hình thể để tăng sự tự tin và sinh động trong khi trả lời phỏng vấn.
- Tự tin nhưng không kiêu căng.
- Hãy cảm ơn khi nhận được lời khen và khi kết thúc buổi phỏng vấn.
Nói Xấu Công Ty Cũ
Việc không hài lòng về một số vấn đề ở công ty cũ là điều không thể tránh khỏi. Đó cũng có thể là nguyên do khiến bạn tìm kiếm một công việc mới. Tuy nhiên, việc nói xấu công ty cũ dường như là một “điều cấm kỵ” khi phỏng vấn.
- Thứ nhất, hành động này sẽ lan tỏa sự tiêu cực không ai mong muốn trong buổi phỏng vấn.
- Thứ hai, nhà tuyển dụng sẽ có thể đánh giá thấp về khả năng xử lý vấn đề của bạn ở công ty cũ.
- Thứ ba, nó thể hiện rằng bạn là một người “nhỏ nhen” và chưa thích nghi tốt.
Vì thế, hãy khéo léo khi đề cập đến công ty cũ và lý do tại sao bạn nghỉ việc. Đừng “vạch áo cho người xem lưng”!
Giải pháp:
- Hãy tập trung vào thành tích và những gì bạn đạt được ở công ty cũ.
- Nêu ra định hướng và dự định tương lai và cho thấy rằng điều này vẫn chưa phù hợp với công ty cũ (lý do vì sao nghỉ việc).
- Không đề cập những vấn đề hay mâu thuẫn cá nhân giữa bạn và công ty cũ.
Thiếu Năng Lượng
Thiếu năng lượng, uể oải trong suốt buổi phỏng vấn cũng chính là một lý do khiến bạn bị loại. Chắc chắn rằng không ai muốn tuyển dụng một nguồn năng lượng “mệt mỏi” vào nơi làm việc của họ cả.
Giải pháp:
- Hãy mỉm cười thường xuyên.
- Nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ trước buổi phỏng vấn.
Kết luận
Trên đây là 6 lý do chính khách quan nhất khiến bạn trượt phỏng vấn tại các công ty Nhật. Ngoài ra, sẽ có một số yếu tố khác tùy vào từng công ty và người phỏng vấn.
Nếu bạn đã chuẩn bị cả về kiến thức lẫn thái độ nhưng vẫn không thể qua vòng phỏng vấn, thì cũng đừng quá buồn phiền vì vấn đề có thể là do phong cách của bạn chưa phù hợp với văn hóa công ty.