NHỮNG CÂU HỎI PHỎNG VẤN MARKETING THƯỜNG GẶP

MarketingApril 20, 2023 10:14

MỤC LỤC

Những Câu Hỏi Phỏng Vấn Marketing Thường Gặp

Phỏng Vấn Marketing Có Khó Không?

Những Câu Hỏi Phỏng Vấn Marketing Thường Gặp

Hãy giới thiệu về kinh nghiệm của bạn trong lĩnh vực Marketing

Bạn có từng thực hiện một chiến dịch marketing thành công nào chưa?

Bạn có thể giải thích một số thuật ngữ marketing cơ bản?

Vì sao bạn chọn theo đuổi marketing?

Bạn thường sử dụng những phần mềm hay công cụ nào khi làm việc?

Bạn làm thế nào để theo dõi và cập nhật các xu hướng marketing mới nhất?

Bạn có nhận thấy sự khác biệt nào giữa marketing online và marketing truyền thống?

Bạn sẽ làm thế nào để xây dựng chiến dịch marketing hiệu quả với ngân sách hạn chế?

Kết luận 

bo cau hoi phong van marketing thuong gap

Những Câu Hỏi Phỏng Vấn Marketing Thường Gặp

Khi xin việc trong lĩnh vực marketing, phỏng vấn là bước quan trọng giúp nhà tuyển dụng đánh giá khả năng và kinh nghiệm của ứng viên. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thường bị áp lực và lo lắng khi đối diện với những câu hỏi không quen thuộc. 

Vậy, trong phỏng vấn marketing, những câu hỏi thường xuất hiện là gì? Hãy cùng tìm hiểu để chuẩn bị tốt hơn cho bài phỏng vấn của bạn. Trong bài viết này, Reeracoen sẽ chưa chia ra cụ thể câu hỏi phỏng vấn cho từng vị trí Marketing!

Phỏng Vấn Marketing Có Khó Không?

Phỏng vấn marketing có thể khó hoặc dễ tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Cụ thể, nó tùy thuộc vào vị trí bạn phỏng vấn, kỳ vọng của công ty, và phụ thuộc vào chính bản thân của bạn.

Sau đây là một số yếu tố bạn có thể gặp phải khi tham gia phỏng vấn marketing và cách để chuẩn bị cho chúng:

  • Kiến thức về marketing: Nếu bạn không có kiến thức về marketing hoặc không đủ kinh nghiệm, phỏng vấn sẽ khó khăn hơn. Để chuẩn bị cho phỏng vấn này, bạn nên tìm hiểu về các khái niệm và chiến lược marketing cơ bản, đọc sách, tham gia các khóa học, trao đổi với những người có kinh nghiệm hoặc thực tập tại các công ty marketing để tích lũy thêm kinh nghiệm.

  • Kỹ năng giao tiếp: Điều quan trọng trong một cuộc phỏng vấn là kỹ năng giao tiếp. Bạn nên trang bị cho mình kỹ năng này bằng cách tham gia các hoạt động giao tiếp, trao đổi, thực hành phỏng vấn và tập trung vào việc giải thích ý tưởng của bạn một cách rõ ràng, dễ hiểu.

  • Tư duy sáng tạo: Một phần của marketing là tư duy sáng tạo, bạn nên chuẩn bị sẵn sàng cho những câu hỏi liên quan đến việc tìm ra các ý tưởng sáng tạo cho chiến lược marketing. Để trang bị cho mình kỹ năng này, bạn có thể đọc các tài liệu về ý tưởng sáng tạo, hoặc tìm kiếm các bài tập để rèn luyện tư duy sáng tạo.

  • Kỹ năng phân tích: Trong marketing, phân tích dữ liệu là một phần quan trọng, vì vậy phỏng vấn marketing có thể yêu cầu bạn hiểu biết về các công cụ phân tích và khả năng phân tích kết quả. Bạn có thể chuẩn bị cho phỏng vấn này bằng cách nghiên cứu các công cụ phân tích, đọc các báo cáo thị trường, và thực hành phân tích các dữ liệu mẫu.

Nói chung, phỏng vấn marketing có thể khó hoặc dễ tùy thuộc vào trình độ, kinh nghiệm và chuẩn bị của bạn. Tuy nhiên, bằng cách chuẩn bị và rèn luyện kỹ năng, bạn có thể trở nên tự tin hơn và có cơ hội vượt qua vòng phỏng vấn cao hơn.

Những Câu Hỏi Phỏng Vấn Marketing Thường Gặp

Trước khi đến với những câu hỏi liên quan đến chuyên ngành marketing, bạn cần chuẩn bị trước những câu hỏi chung có mặt trong bất kỳ các buổi phỏng vấn nào. Hãy tham khảo thêm những câu hỏi dưới đây để có sự chuẩn bị trước nhé!

phong van marketing can chuan bi gi

Hãy giới thiệu về kinh nghiệm của bạn trong lĩnh vực Marketing

Ở câu hỏi này, bạn cần trả lời đúng trọng tâm câu hỏi. Có thể, bạn từng làm qua nhiều vị trí khác nhau bao gồm Sales, Marketing, … Tuy nhiên, trong trường hợp này, nhà tuyển dụng chỉ muốn nghe những kinh nghiệm liên quan trực tiếp đến Marketing. Vì thế, nếu bạn trả lời “dài dòng”, có thể sẽ làm mất điểm đấy!

Khi nói về kinh nghiệm, bạn hãy sắp xếp kinh nghiệm của mình theo thứ tự từ gần đến xa nhất hoặc từ xa nhất đến hiện tại. Bên cạnh đó, bạn cũng cần đề cập đến cụ thể công việc cho từng vị trí. Việc khái quát qua kinh nghiệm sẽ giúp nhà tuyển dụng hình dung khái quát được khả năng của ứng viên.

Bạn có từng thực hiện một chiến dịch marketing thành công nào chưa?

Đối với câu hỏi này, nhà tuyển dụng mong muốn tìm hiểu kỹ hơn về một chiến dịch cụ thể mà bạn từng tham gia. Bạn hãy trả lời cụ thể về chiến dịch, mục tiêu chiến dịch, vị trí bạn đảm nhận, công việc cụ thể như thế nào và kết quả cuối cùng ra sao.

Nếu trong quá trình thực hiện bạn đã gặp phải những khó khăn hay vấn đề gì, hãy khéo léo đề cập và đưa ra cách bạn đã giải quyết chúng. Điều này giúp nhà tuyển dụng có ấn tượng hơn với bạn. 

Bạn có thể giải thích một số thuật ngữ marketing cơ bản? (PESTEL, 4P, SWOT, target audience, segmentation, positioning, lead generation, lead nurturing, conversion rate, retention rate, churn rate, ROI?)

Đối với 1 nhân viên Marketing, việc nắm bắt các thuật ngữ là vô cùng cần thiết. Vì vậy, bạn cần chuẩn bị cho mình những kiến thức nền tảng về các thuật ngữ này. Bạn có thể dễ dàng tìm được định nghĩa trên Internet. Tuy nhiên, dưới đây Reeracoen sẽ gợi ý một số thuật ngữ:

  • PESTLE: PESTLE là một công cụ được sử dụng để có được bức tranh vĩ mô về môi trường ngành. PESTLE là viết tắt của các yếu tố Chính trị (Political), Kinh tế (Economic), Xã hội (Social), Công nghệ (Technological), Pháp lý (Legal) và Môi trường (Environmental). Nó cho phép một công ty hình thành ấn tượng về các yếu tố có thể ảnh hưởng đến một doanh nghiệp hoặc ngành mới.

  • 4P: 4P của tiếp thị là một khái niệm tiếp thị tóm tắt bốn yếu tố chính của bất kỳ chiến lược tiếp thị nào. Bốn chữ P là: sản phẩm (product), giá cả (price), địa điểm (place) và khuyến mãi (promotion).

  • SWOT: SWOT là viết tắt của Điểm mạnh, Điểm yếu, Cơ hội và Thách thức, do đó, phân tích SWOT là một kỹ thuật để đánh giá bốn khía cạnh này trong doanh nghiệp của bạn.

  • ROI (Return on investment): Lợi tức đầu tư hoặc lợi tức chi phí là tỷ lệ giữa thu nhập ròng và đầu tư. ROI cao có nghĩa là lợi nhuận của khoản đầu tư so sánh thuận lợi với chi phí của nó.

Vì sao bạn chọn theo đuổi marketing?

Ở đây, nhà tuyển dụng muốn hiểu rõ hơn về đam mê cũng như mục tiêu của bạn đối với Marketing. Marketing là một ngành đòi hỏi sự đam mê để có thể tiếp tục học hỏi và phát triển. Vì vậy, nhà tuyển dụng muốn biết bạn có đủ đam mê để theo đuổi và gắn bó lâu dài với ngành cũng như với công ty hay không. 

Do đó, bạn cần trả lời các lý do giúp bạn có đam mê với ngành này và những nguyên nhân nào giúp bạn tiếp tục gắn bó cũng như giữ vững sự yêu thích đó. 

Bạn thường sử dụng những phần mềm hay công cụ nào khi làm việc?

Đây là một câu hỏi để đánh giá khả năng chuyên môn của bạn. Tùy vào vị trí ứng tuyển (Social Media hay Digital Marketing,...), bạn cần phải sử dụng những công cụ phù hợp để hỗ trợ cho công việc, cũng như để theo dõi hiệu quả các chiến dịch. 

Bên cạnh việc liệt kê các phần mềm và công cụ, bạn hãy mô tả chi tiết những lợi ích mà chúng đem lại và cách bạn đã sử dụng nó để đem lại thành quả trong công việc. 

Bạn làm thế nào để theo dõi và cập nhật các xu hướng marketing mới nhất?

Marketing là lĩnh vực yêu cầu và đòi hỏi sự nhanh chóng trong việc nắm bắt các xu hướng mới. Với câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn biết rằng bạn có là người chủ động trong việc cập nhật các xu hướng hay không?

Vì thế, ngay từ bây giờ bạn cần tham gia các cộng đồng, cũng như đăng ký nhận thông tin mới từ các hội nhóm hoặc website có liên quan đến marketing. Từ đó, bạn có thể tự tin trả lời câu hỏi này!!

Bạn có nhận thấy sự khác biệt nào giữa marketing online và marketing truyền thống?

Đây là một câu hỏi cơ bản để kiểm tra xem ứng viên có thật sự hiểu rõ về marketing truyền thống và marketing online hay không (2 kênh marketing chủ yếu). 

Marketing truyền thống được biết đến là một khái niệm giúp khách hàng tiếp cận sản phẩm trực tiếp tại gian hàng trưng bày, cửa hàng, siêu thị. Trong khi đó, Marketing online giúp khách hàng tiếp cận sản phẩm qua các kênh truyền thông online, PR, quảng cáo. So với marketing truyền thống, marketing online vượt trội hơn về độ rộng tiếp cận của nó. 

Bạn sẽ làm thế nào để xây dựng chiến dịch marketing hiệu quả với ngân sách hạn chế?

Tất cả doanh nghiệp đều mong muốn có một chiến dịch marketing hiệu quả với ngân sách tiết kiệm nhất. 

Bạn hãy cẩn thận hỏi lại nhà tuyển dụng thêm những yêu cầu khác (nếu có) và đừng ngần ngại đưa ra ý kiến và các sáng tạo của mình phù hợp với ngân sách đó. Tuy nhiên, nếu sự khác biệt ngân sách quá lớn, doanh nghiệp không thể đòi hỏi sự hiệu quả tương đương giữa 2 chiến dịch. 

Kết luận 

Trên đây là những câu hỏi phỏng vấn marketing thường gặp. Dù có những câu hỏi khác ngoài danh sách trên, việc chuẩn bị trước và tự tin trong từng câu trả lời sẽ giúp bạn vượt qua phỏng vấn một cách tốt nhất. 

Đừng quên lưu ý về cách ứng xử, tạo ấn tượng và sự đam mê của bạn với lĩnh vực marketing để ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Chúc bạn thành công!