Cách Trả Lời 10 Câu Hỏi Phỏng Vấn Thường Gặp

Interview TipsJune 27, 2019 18:24

cach-tra-loi-cac-cau-hoi-phong-van-thuong-gap

Bạn nghĩ rằng mình đã nắm chắc cách trả lời các câu hỏi phỏng vấn thường gặp?

Kiểm tra xem bạn đã trả lời đúng hết hay còn thiếu sót gì trong 10 câu hỏi bên dưới. Dù bạn là người có kinh nghiệm hay chưa, không khí của một buổi phỏng vấn vẫn có thể làm bạn lo lắng, nên việc ôn luyện lại sẽ rất hữu ích!

1. Hãy giới thiệu về bản thân của bạn

Bạn cần thể hiện bản thân một cách ngắn gọn, trong khoảng 5-6 câu.

Danh tính

  • Nêu đầy đủ tên họ của mình. Nếu bạn muốn được gọi bằng tên khác, hãy nói với nhà tuyển dụng.
  • Bạn không nên sử dụng nickname vì những cái tên này thường thiếu chuyên nghiệp và không phù hợp với không khí của buổi phỏng vấn.
    *Việc giới thiệu tuổi có lẽ là không cần thiết với các công ty Âu Mỹ, nhưng với công ty Nhật đây là việc hiển nhiên. Nếu bạn không giới thiệu, người phỏng vấn cũng sẽ hỏi lại hoặc xem trong hồ sơ của bạn.

Năng lực liên quan đến công việc hiện tại

  • Để nhấn mạnh mình là người phù hợp, hãy chọn lọc và trình bày về năng lực mà bạn tự tin nhất.
  • Đó có thể là những kiến thức bạn được học được ở trường, khóa học, hay người nào đó, những kỹ năng (cứng lẫn mềm) bạn đã sử dụng trong công việc trước đây…

Điều bạn tìm kiếm ở
công việc mới

  • Đây là một cách đơn giản để kết thúc phần giới thiệu của mình.
  • Thông qua những lĩnh vực muốn hoạt động hay kiến thức muốn học hỏi trong công việc mới, nhà tuyển dụng sẽ phần nào hiểu được động lực để bạn tham dự phỏng vấn.

2. Lý do bạn nghỉ việc ở công ty cũ?

Đây là một trong các câu hỏi phỏng vấn thường gặp có thể gây khó khăn cho bạn.

Hãy thành thật vì bộ phận nhân sự hoàn toàn có thể kiểm tra bằng cách liên lạc đến công ty cũ của bạn. Đặc biệt các nhân viên ở công ty Nhật thường có nhiều mối liên hệ và kết nối với nhau.

  • Nếu bạn đã phạm lỗi sai và bị sa thải, hãy nói rõ nguyên nhân bạn phạm lỗi và làm thế nào để không lặp lại sai lầm này.
  • Nếu tự nguyện nghỉ việc, bạn cũng nên giải thích tại sao, ví dụ như tìm việc làm để phát huy thế mạnh nhiều hơn.

Một số yếu tố khách quan như muốn tìm việc gần nhà hơn, lương ở công ty cũ thấp… vẫn có thể được chấp nhận. Nhưng tránh nói lý do “việc cũ nhàm chán”, “áp lực”, “sếp khó tính”. Điều này sẽ làm nhà tuyển dụng có cảm giác bạn không có nhiều động lực trong công việc và không thể gắn bó lâu dài với công ty.

3. Tại sao bạn muốn ứng tuyển vào công ty chúng tôi?

Mục đích của nhà tuyển dụng khi hỏi câu này là để tìm hiểu nguyện vọng cũng như những gì bạn biết về công ty.

Lời khuyên là hãy đưa lý do kèm những dẫn chứng cụ thể vì sao công ty lại đặc biệt đối với bạn. Lưu ý: Không nên nói ra những lý do có thể gây mâu thuẫn với lý do bạn rời công ty cũ.

Ví dụ: Ở công ty cũ, bạn chỉ được làm việc với nhân viên và khách hàng người Việt. Với vị trí mới ở công ty với môi trường đa quốc gia, bạn sẽ có cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài nhiều hơn và có thể sử dụng khả năng ngoại ngữ.

4. Điểm mạnh của bạn là gì?

Hãy chuẩn bị trước một vài thế mạnh của mình và những dẫn chứng cụ thể chứng minh bạn đã phát huy các năng lực này như thế nào trong công việc. Dù được hỏi về 1 hay nhiều điểm mạnh thì bạn cũng nên dồn sự tập trung vào các điểm mạnh mà vị trí hay công ty đặc biệt yêu cầu. Đừng kể những điểm mạnh mà bạn không thể chứng minh bằng một ví dụ cụ thể.

Trong văn hóa Việt Nam, tự khen mình có thể bị xem là tự phụ nhưng để có được công việc như ý, đừng ngần ngại và hãy quen dần với việc nói tốt về bản thân mình một chút. Tuy nhiên, bạn cũng không nên tự tin thái quá; nhà tuyển dụng sẽ thích một người có bản lĩnh, hiểu rõ con người mình, và tự hào với những gì bản thân đạt được. 

Ví dụ:

  • Khả năng lãnh đạo – bạn đã quản lý nhóm gồm những thành viên có kinh nghiệm lẫn chưa có kinh nghiệm, thường xuyên tìm cách đông viên họ và giúp họ cũng như cả nhóm đạt được mục tiêu.
  • Kỹ năng thuyết trình – bạn từng tham gia diễn thuyết trước một số lượng khán giả lớn và tạo ra nhiều khách hàng tiềm năng.

5. Điểm yếu của bạn là gì?

Cũng tương tự như điểm mạnh, nhà tuyển dụng cũng có thể yêu cầu bạn nêu 1 hoặc nhiều điểm yếu. Nếu không thể liệt kê đủ số lượng điểm yếu nhà tuyển dụng yêu cầu, bạn có thể kết thúc bằng cách nói rằng đó là tất cả những điểm yếu bạn rút ra được từ trước đến nay.

Hãy nghĩ về các điểm yếu của mình và những cách bạn làm để khắc phục, hạn chế điểm yếu này trong công việc. Đừng cố gắng tránh né câu hỏi, cũng như hạn chế nhắc đến các điểm yếu là năng lực quan trọng đối với vị trí tuyển dụng.

Ví dụ:

  • Đánh máy chậm - Bạn luyện thêm với trang web online mỗi ngày và tốc độ đã tăng dần.
  • Phát âm tiếng Anh chưa chuẩn – Bạn luyện tập thêm bằng cách nói chuyện với người nước ngoài ở trường và lắng nghe các chương trình trên TV, Internet.

Xem thêm các lưu ý cho câu hỏi “điểm yếu của bạn là gì?”

6. Bạn tưởng tượng mình như thế nào trong 5 năm nữa?

Đây là câu hỏi để nhà tuyển dụng hiểu thêm về định hướng nghề nghiệp, tham vọng của bạn, liệu bạn có gắn bó lâu dài với công ty, và lộ trình thăng tiến tại công ty có phù hợp với bạn hay không.

Hãy nói về mục tiêu (tính chất công việc mong muốn) và cách để bạn đạt được mục tiêu đó. Hãy lồng ghép các chi tiết phù hợp với mô tả công việc bạn đang phỏng vấn.

Tránh nhắc đến những chi tiết liên quan đến khả năng cam kết lâu dài với công ty; tất cả chỉ là dự định của bạn, không có gì đảm bảo chắc chắn cho những kế hoạch này

Ví dụ:

Nếu đang phỏng vấn cho vị trí Nhân viên tuyển dụng, kế hoạch 5 năm của bạn có thể là được làm việc mang tính chất quản lý. Bạn sẽ tham gia các khóa học về luật lao động, tâm lý học hành vi, và cách quản lý con người.

7. Bạn còn ứng tuyển cho công ty nào nữa không?

Câu hỏi này cũng thuộc dạng khó trong các câu hỏi phỏng vấn thường gặp. Nói ra những lựa chọn công ty hiện có sẽ thể hiện được mức độ quyết tâm của bạn cho vị trí ứng tuyển.

Bạn là người rải đơn hay có định hướng rõ ràng cho công việc mình muốn làm?
Bạn chỉ quan tâm đến các công ty lớn có tiếng tăm hay thật sự mong muốn tìm một công việc phù hợp cho sự phát triển nghề nghiệp của mình?

Không phải lúc nào cũng có thể lựa chọn công ty để ứng tuyển như mong muốn và việc rải đơn ở nhiều công ty, thậm chí ở các lĩnh vực khác nhau là có thể xảy ra. Khi được hỏi, bạn chỉ nên liệt kê những công ty liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển.

Và thay vì nói về ưu tiên của bạn trong các lựa chọn đó, bạn có thể nói về tình trạng ứng tuyển (bạn đã phỏng vấn và đang chờ kết quả phỏng vấn ở những đâu).

8. Tại sao chúng tôi nên tuyển bạn?

Có 2 yếu tố bạn cần đảm bảo trong câu trả lời này:

  1. Giải pháp cho những vấn đề của công ty - Kinh nghiệm và kỹ năng của bạn sẽ giúp gì công ty?
  2. Sự khác biệt - Những kinh nghiệm và kỹ năng này có gì đặc biệt so với các ứng viên khác?

Để câu trả lời của bạn thuyết phục nhưng vẫn ngắn gọn, hãy kể 1 câu chuyện tập trung vào một kỹ năng đặc biệt, phù hợp với các yêu cầu của vị trí ứng tuyển. Lồng ghép vào câu chuyện đó với những số liệu về thành tích để tăng tính thuyết phục.

Hướng dẫn chi tiết cách trả lời cho câu hỏi "tại sao chúng tôi nên tuyển bạn?"

9. Hãy kể về thành công/thất bại của mình?

  • Thành công bạn tự hào nhất

Tương tự với câu hỏi “tại sao chúng tôi nên tuyển bạn?” hãy chọn thành quả liên quan đến các yêu cầu công việc để thể hiện được bạn là người phù hợp cho công ty.

  • Thất bại và cách bạn vượt qua

Với câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn biết cách bạn đối mặt với stress và thất bại. Rất nhiều điều về con người bạn được bộc lộ, ví dụ như bạn có phải là người suy nghĩ tích cực, kiên nhẫn, hay linh hoạt trong các tình huống hay không; bạn đã học được gì sau thất bại

Tránh đổ lỗi cho đồng nghiệp cũ hay bất kì ai khác (khách hàng, nhà cung cấp, hay đối tác).

10. Bạn có câu hỏi gì dành cho chúng tôi không?

Đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng cũng là 1 cách để bạn thể hiện sự am hiểu và quan tâm của mình với công việc.

Một số câu hỏi đơn giản, áp dụng được trong nhiều trường hợp là người phỏng vấn có muốn biết thêm thông tin gì về bạn không, và các bước tiếp theo sau phỏng vấn là gì.

Bạn cũng cần làm rõ trách nhiệm của mình thông qua những câu hỏi như kĩ năng và kinh nghiệm nào cần thiết nhất cho công việc, bạn sẽ làm việc với những ai, trong dự án như thế nào, hiệu quả công việc của bạn sẽ được đánh giá như thế nào, trong bao lâu…

Ở các vị trí liên quan đến quản lý và chiến lược của công ty, bạn nên đặt các câu hỏi liên quan đến tình hình hoạt động kinh doanh của công ty.

5 câu hỏi đắt giá nhất dành cho nhà tuyển dụng

Đọc thêm: CEO Burger King đặt câu hỏi phỏng vấn gì cho ứng viên của mình?

Nhìn chung, đối đáp ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề sẽ hiệu quả hơn là giải thích dài dòng hay nói những câu cứng nhắc như học thuộc lòng “văn mẫu”. Hãy trung thực và chọn lọc để câu trả lời bạn vẫn thật “chất” mà không cần “lượng”.

Chuẩn bị trước cách trả lời các câu hỏi phỏng vấn thường gặp để đừng bỡ ngỡ và có thời gian để lắng nghe, suy nghĩ cách đối ứng những câu hỏi hóc búa hơn.

Bạn vẫn chưa biết cơ hội việc làm nào dành cho mình?
📩 Gửi CV mới nhất về email resume@reeracoen.com.vn và nêu rõ nguyện vọng của bạn để bắt đầu hành trình cùng Reeracoen.
👍 Follow Reeracoen Vietnam HR Facebook và Reeracoen Vietnam LinkedIn của Reeracoen Vietnam để được cập nhật công việc hấp dẫn mỗi tuần.
🌏 Tham khảo website www.reeracoen.com.vn để tìm kiếm sâu hơn những cơ hội mới cho bản thân.